Nhật Bản phát triển thành công nhựa sinh học dùng trong công nghiệp

Một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát triển thành công một loại nhựa sinh học thế hệ mới. Loại nhựa này không chỉ bền mà còn dễ dàng phân hủy trong môi trường nước biển và có thể sản xuất hàng loạt. 

 

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, có khoảng 30 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển vào năm 2022. 

Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Kobe và các tổ chức khác mở ra hy vọng, một ngày nào đó các đại dương trên thế giới có thể không còn rác thải nhựa. 

Theo báo cáo của nhóm trên tạp chí ACS Bền vững Hóa học và Kỹ thuật của Hoa Kỳ, loại nhựa sinh học mới được làm từ axit polylactic, một loại polyester có nguồn gốc từ các loại tinh bột như mía và ngô. 

Axit polylactic, còn được gọi là polylactide, hiện đang được biết đến là vật liệu thay thế cho nhựa gốc dầu mỏ. Tuy nhiên, vật liệu này có tính chất giòn, khó tạo khuôn và hòa tan. 

Một loại polylactide có khả năng phân hủy cao, được gọi là LAHB, đã được phát triển nhưng rất khó sản xuất với số lượng lớn. 

Để khắc phục những điểm yếu của các vật liệu này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một loại vi khuẩn có tên là lactate dehydrogenase có khả năng sản xuất nhựa và thông qua chỉnh sửa gen, nhóm nghiên cứu đã sản xuất được LAHB số lượng lớn. 

Bản thân LAHB có màu trắng đục nhưng nhóm nghiên cứu đã tạo ra được loại vật liệu có vẻ ngoài trong suốt bằng cách thêm một lượng nhỏ LAHB vào axit polylactic thông thường. 

Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ tăng mức sử dụng nhựa sinh học của nước này lên khoảng 2 triệu tấn vào năm 2030.  

Seiichi Taguchi, giáo sư tại Đại học Kobe, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết sự ra đời của nhựa sinh học mới “sẽ giúp ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu đồng thời đưa sáng kiến sản xuất sinh học của chính phủ lên cấp độ công nghiệp”. 

(Nguồn: Kyodonews)

Xử lý nhựa phân hủy sinh học sao cho đúng?

Không phải ai cũng biết xử lý nhựa phân hủy sinh học đúng cách, họ cần hỗ trợ để biết cách thực hiện. Đây là một trong những kết luận của một nghiên cứu mới do các nhà khoa học tại Đại học Surrey và Imperial College London thực hiện.

Tiến sĩ Zoe M Harris, Giảng viên cao cấp tại Trung tâm Môi trường và Bền vững, Đại học Surrey, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Phần lớn rác thải nhựa hiện nay đều được đưa đến các bãi chôn lấp, hoặc tệ hơn là thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên. Trong khi đó, tái chế nhựa tại nhà còn gặp nhiều khó khăn. Một giải pháp được đưa ra là phát triển các loại nhựa có thể phân hủy sinh học cùng với chất thải thực phẩm để biến chúng thành phân trộn. Tuy nhiên, điều này chỉ phát huy tác dụng khi mọi người biết bỏ nhựa phân hủy sinh học vào đúng thùng phân loại rác. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, nhiều người không biết cách phân loại loại rác thải này”.

Loại nhựa được chứng nhận là có thể phân hủy trong môi trường ủ công nghiêp là chúng được thiết kế và thử nghiệm để phân hủy trong các điều kiện thông thường của quá trình ủ phân công nghiệp.

Để nghiên cứu lý do tại sao một số người biết cách xử lý rác thải nhựa phân huỷ sinh học trong khi những người khác thì không, nhóm đã tiến hành khảo sát các cộng đồng tại Imperial College London và Đại học California, Davis.

Họ đã nghiên cứu hệ thống tái chế ở cả hai cơ sở nói trên, thực hiện khảo sát để xác định các yếu tố có thể ảnh hưởng đến hoạt động xử lý rác. Sau đó, họ áp dụng phương pháp phân tích mạng lưới, nhằm lập bản đồ mối quan hệ giữa các yếu tố và cách xử lý để tìm ra yếu tố nào có tầm ảnh hưởng nhất.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, một người càng am hiểu về nhựa phân hủy sinh học và tái chế thì họ càng có nhiều khả năng vứt rác thải nhựa phân hủy sinh học vào cùng với rác thải thực phẩm.

Kiến thức đóng vai trò quan trọng nhưng việc tiếp cận cơ sở hạ tầng phù hợp cũng là điều cần thiết. Theo đó, những người tham gia tại Đại học California, vốn là nhóm đối tượng có thể tiếp cận thùng phân loại rác thực phẩm dễ dàng hơn so với nhóm ở Imperial College London (78% so với 57%), có nhiều khả năng bỏ rác thải nhựa phân hủy sinh học vào thùng đó hơn (71% so với 45%).

Tiến sĩ Sarah Kakadellis, thuộc Đại học California, Davis, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Nếu chúng ta muốn nhựa phân hủy sinh học phát huy được tiềm năng bền vững của mình, chúng ta cần hiểu cách thức sử dụng chúng. Cung cấp cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý chất thải phù hợp là điều cần thiết để nhựa sinh học được xử lý đúng cách. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đảm bảo người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa loại nhựa nào có thể bỏ vào thùng rác thực phẩm và loại nhựa nào không. Các thuật ngữ về nhựa phân hủy sinh học có thể gây nhầm lẫn, do đó cần phải thắt chặt các quy định về ghi nhãn và nâng cao vai trò, trách nhiệm của nhà sản xuất”.

Nguồn Foodprocessing: https://www.foodprocessing.com.au/content/packaging-labelling-coding/news/make-plastic-packaging-less-confusing-scientists-warn-414367007)

Hạt vi nhựa phân hủy sinh học có thể “biến mất” trong 7 tháng

Thông thường, hạt vi nhựa phải tới 100-1000 năm để phân hủy. Giờ đây, nhờ các đột phá trong nghiên cứu, các nhà khoa học có thể khiến hạt vi nhựa “biến mất” trong vòng 7 tháng.

Vi nhựa là những mảnh nhựa có kích thước rất nhỏ, gần như không thể phân hủy được. Chúng được thải ra môi trường từ các sản phẩm nhựa chúng ta sử dụng hàng ngày. Khi tìm hiểu về vi nhựa, chúng ta càng nhận thấy những hậu quả tiềm tàng từ chúng. Không chỉ được tìm thấy trong đại dương và đất, giờ đây, các nhà khoa học còn phát hiện vi nhựa hiện diện ở những nơi không ngờ tới nhất trong cơ thể con người: động mạch, phổi và thậm chí cả nhau thai.

Các hạt vi nhựa có thể mất từ 100-1000 năm để phân hủy, trong khi vấn nạn ô nhiễm nhựa ngày càng trở nên trầm trọng.

Do đó, việc tìm kiếm các giải pháp thay thế khả thi cho nhựa và vi nhựa truyền thống làm từ dầu mỏ đang trở thành vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. Nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học California San Diego và công ty khoa học vật liệu Algenesis cho thấy, các polyme có nguồn gốc thực vật của họ có thể phân hủy sinh học – ngay cả ở cấp độ vi nhựa – trong vòng chưa đầy 7 tháng.

“Chúng tôi mới bắt đầu hiểu được ý nghĩa của vi nhựa. Chúng tôi mới chỉ mới biết được những tác động lên môi trường và sức khỏe”,  Giáo sư Hóa học và Hóa sinh Michael Burkart, một trong những tác giả của bài báo và là người đồng sáng lập Algenesis, cho biết.

“Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm vật liệu thay thế cho những vật liệu đã tồn tại và đảm bảo những vật liệu thay thế này sẽ phân hủy sinh học khi hết thời gian sử dụng thay vì tích tụ trong môi trường. Điều đó không hề dễ dàng”.

Robert Pomeroy, Giáo sư hóa sinh và là người đồng sáng lập Algenesis cho biết: “Khi chúng tôi lần đầu tiên tạo ra các polyme dựa trên tảo này vào khoảng 6 năm trước, mục đích của chúng tôi luôn là nó có thể phân hủy sinh học hoàn toàn”.

“Nhiều dữ liệu của chúng tôi cho thấy vật liệu của chúng tôi có thể phân hủy trong phân trộn, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi đo được nó ở cấp độ vi hạt.”

Tiến hành thí nghiệm

Để kiểm tra khả năng phân hủy sinh học của vật liệu mới, nhóm nghiên cứu đã nghiền nó thành các hạt vi mô mịn và sử dụng ba công cụ đo lường khác nhau để xác nhận rằng khi trong quá trình ủ phân, vật liệu này đã được phân hủy bởi vi khuẩn.

Công cụ đầu tiên là máy đo hô hấp. Khi vi khuẩn phân hủy phân trộn, chúng sẽ giải phóng carbon dioxide (CO2) mà máy đo hô hấp đo được. Những kết quả này được so sánh với quá trình phân hủy cellulose, được coi là tiêu chuẩn công nghiệp về khả năng phân hủy sinh học 100%. Polyme có nguồn gốc từ thực vật tương đồng với cellulose ở mức gần 100%.

Tiếp theo, nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp bể tuyển nổi. Vì nhựa không tan trong nước và nổi trên mặt nước nên có thể dễ dàng được vớt ra khỏi mặt nước. Trong khoảng thời gian từ 90 đến 200 ngày, gần 100% vi nhựa gốc dầu mỏ đã được thu hồi, nghĩa là không có vi nhựa nào bị phân hủy sinh học.

Trong khi đó, sau 90 ngày, chỉ có 32% vi nhựa có nguồn gốc từ tảo được thu hồi. Điều này đồng nghĩa, 2/3 số vi nhựa này đã phân hủy sinh học. Sau 200 ngày, chỉ có 3% được phục hồi, cho thấy 97% trong số đó đã biến mất.

Phương pháp đo cuối cùng liên quan đến phân tích hóa học thông qua sắc ký khí/khối phổ (GCMS), phát hiện sự hiện diện của các monome được dùng để chế tạo nhựa, cho thấy polyme đã bị phân hủy thành nguyên liệu thực vật ban đầu. Kính hiển vi điện tử quét tiếp tục cho thấy cách thức vi sinh vật xâm chiếm các hạt vi nhựa có khả năng phân hủy sinh học trong quá trình ủ phân.

“Vật liệu này là loại nhựa đầu tiên được chứng minh là không tạo ra vi nhựa khi chúng ta sử dụng”. Stephen Mayfield, đồng tác giả bài báo, Giáo sư Trường Khoa học Sinh học và đồng sáng lập của Algenesis cho biết: “Đây không chỉ là một giải pháp bền vững cho vòng đời sản phẩm và các bãi rác chất đống của chúng ta. Đây thực sự là loại nhựa không gây hại cho sức khỏe con người”.

Tạo ra một giải pháp thay thế, thân thiện với môi trường cho nhựa là từ dầu mỏ chỉ là một phần trên con đường dài để ứng dụng nó vào cuộc sống. Thách thức hiện nay là đưa vật liệu mới vào quá trình sản xuất các loại thiết bị vốn có nguồn gốc từ nhựa truyền thống, và Algenesis đang thực hiện điều đó.

Algenesis đang hợp tác với một số công ty để sản xuất các sản phẩm sử dụng polyme nguồn gốc thực vật được phát triển tại UC San Diego, bao gồm Trelleborg để sử dụng trong vải tráng và RhinoShield để sử dụng trong sản xuất vỏ điện thoại thông minh.

Burkart cho biết, “Khi bắt đầu công việc này, chúng tôi đã được thông báo rằng điều đó là không thể. Bây giờ chúng tôi đã nhìn thấy một thực tế khác. Còn rất nhiều việc phải làm, nhưng chúng tôi muốn mang đến cho mọi người hy vọng. Điều đó là hoàn toàn có thể”.

(Nguồn DPA Magazinehttps://www.dpaonthenet.net/article/204594/Biodegradable-microplastics-disappear-in-just-seven-months.aspx)

An Phát Holdings khẳng định vai trò và đóng góp tại Diễn đàn do ESCAP Liên Hợp Quốc tổ chức

Ngày 29/2, tại Bangkok, Thái Lan, Tập đoàn An Phát Holdings đã tham dự Diễn đàn khu vực về chính sách thúc đẩy khu vực tư nhân trong Khoa học, Công nghệ và Đổi mới (STI) do Ủy hội Kinh tế và Xã hội châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP) trực thuộc Liên Hợp Quốc tổ chức với vai trò diễn giả, khẳng định vai trò doanh nghiệp dẫn đầu và đóng góp ý kiến trong việc giảm thiểu rác thải nhựa. 

Đại diện Việt Nam trong phiên thảo luận “Hợp tác STI vì sự phát triển bền vững” trong khuôn khổ Diễn đàn, ông Lê Anh Minh – Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển (R&D) Tập đoàn An Phát Holdings đã trình bày những giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. 

Ông Lê Anh Minh – Giám đốc R&D Tập đoàn An Phát Holdings trình bày tại Diễn đàn
Ông Lê Anh Minh – Giám đốc R&D Tập đoàn An Phát Holdings trình bày tại Diễn đàn

Theo ông Minh, Tập đoàn An Phát Holdings với định hướng sản xuất xanh, hướng tới sự phát triển bền vững, đã nghiên cứu, tự phát triển nhiều công nghệ nhằm hiện đại hóa sản xuất như: chuyển đổi số cho từng công đoạn, liên tục cải tiến công thức sản phẩm giúp lượng phế liệu sản xuất đã gần như bằng 0, hay lắp đặt điện năng lượng mặt trời giúp giảm tải cho lưới điện và làm mát xưởng hiệu quả. Đó là một số những giải pháp trên con đường giúp An Phát Holdings hướng đến cân bằng carbon, tiến gần hơn tới sản xuất và phát triển bền vững.  

Ông cho biết, mới đây, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã cập nhật lại tiêu chí cho nhãn sinh thái với các tiêu chuẩn cụ thể cho các sản phẩm phân hủy sinh học và tái chế. Điều này giúp các sản phẩm này có khả năng cạnh tranh hơn trên thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm xanh như An Phát Holdings. 

Giới thiệu tại Diễn đàn, vị đại diện An Phát Holdings cho biết thương hiệu các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn AnEco của Tập đoàn sau 2 năm lên sàn thương mại điện tử Amazon đã nâng doanh thu và lợi nhuận lên 3.183% từ năm 2021 – 2022, nhận được những phản hồi rất tốt và trở thành top những thương hiệu về túi phân hủy sinh học bán chạy nhất trên Amazon tại Mỹ vào cuối năm 2023 vừa qua. Điều này cho thấy các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường đang ngày càng được đón nhận và sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. 

“Chúng tôi vinh dự khi là doanh nghiệp được đóng góp ý kiến về STI trong phát triển bền vững tại Diễn đàn khu vực của ESCAP và An Phát Holdings vẫn sẽ tiếp tục những hoạt động nghiên cứu, phát triển và cải tiến cho các sản phẩm và quy trình sản xuất, góp phần giữ vững vị thế nhà sản xuất nhựa công nghệ cao và thân thiện môi trường hàng đầu khu vực Đông Nam Á để tiếp tục đóng góp vào công cuộc giảm thiểu rác thải nhựa trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung”, ông Lê Anh Minh chia sẻ. 

Diễn đàn khu vực về chính sách thúc đẩy khu vực tư nhân trong Khoa học, Công nghệ và Đổi mới (STI) do ESCAP tổ chức tại Bangkok, Thái Lan ngày 29/2/2024
Diễn đàn khu vực về chính sách thúc đẩy khu vực tư nhân trong Khoa học, Công nghệ và Đổi mới (STI) do ESCAP tổ chức tại Bangkok, Thái Lan ngày 29/2/2024

ESCAP là tổ chức quốc tế lớn nhất khu vực với 53 thành viên chính thức và 9 thành viên liên kết, có trách nhiệm hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy triển khai Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.  

Diễn đàn khu vực về chính sách thúc đẩy khu vực tư nhân trong Khoa học, Công nghệ và Đổi mới (STI) nằm trong chuỗi hoạt động hỗ trợ tư vấn của ESCAP về các chính sách nhằm thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào STI. Mục tiêu Diễn đàn nhằm giới thiệu “Sổ tay về các chính sách thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào STI” được ESCAP phát triển cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách và những người thực hiện STI, sổ tay được phát triển phù hợp với Chương trình hợp tác khu vực Nam-Nam và Tam giác vàng về STI giữa Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan. Đồng thời, thảo luận về tương lai của các chính sách STI tại 4 nước trong khu vực, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực thông qua sự tham gia của khối tư nhân, hỗ trợ chính sách cho tăng trưởng khởi nghiệp và hợp tác khu vực về STI. 

Nhà máy tái chế sinh học nhựa PET đầu tiên trên thế giới chính thức được xây dựng

Nhựa PET thường được sử dụng để sản xuất chai nhựa, hộp đựng thực phẩm và sợi thủ công trong may mặc

CARBIOS (Clermont-Ferrand, Pháp) và De Smet Engineers & Contractors (Mont-Saint-Guibert, Bỉ) ký kết hợp tác kỹ thuật để xây dựng nhà máy “tái chế sinh học” PET đầu tiên trên thế giới.

Nhựa PET thường được sử dụng để sản xuất chai nhựa, hộp đựng thực phẩm và sợi thủ công trong may mặc
Nhựa PET thường được sử dụng để sản xuất chai nhựa, hộp đựng thực phẩm và sợi thủ công trong may mặc

 Carbios và De Smet Engineers & Contractors chính thức công bố hợp tác xây dựng nhà máy tái chế sinh học PET đầu tiên trên thế giới. Theo thỏa thuận, De Smet đảm nhiệm quản lý dự án và kỹ thuật chi tiết, bao gồm hỗ trợ vận hành và quản lý các đối tác của Carbios, để đảm bảo thực hiện việc xây dựng nhà máy ở Longlaville, Pháp, dự kiến đi vào vận hành vào năm 2025.

Cơ sở thương mại đầu tiên của Carbio này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa bằng cách cung cấp giải pháp quy mô công nghiệp để khử polyme trong rác thải PET, từ đó thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa và dệt may.

Với hơn 70 thành viên, nhóm chuyên gia của De Smet phụ trách dự án và làm việc cùng với nhóm Carbios, nhằm đảm bảo tiến độ và ngân sách của dự án, đồng thời duy trì các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn, sức khỏe và môi trường. Tiến độ xây dựng của dự án hiện nay đang được tiến hành theo đúng kế hoạch.

Về công nghệ tái chế sinh học PET

Công nghệ của Carbios giúp “tuần hoàn hóa” PET và cung cấp các nguyên liệu thô thay thế cho các monomer có nguồn gốc từ dầu mỏ, cho phép các nhà sản xuất PET, các đơn vị xử lý chất thải, tổ chức công và các nhãn hàng có thể tiếp cận giải pháp mới, đáp ứng được các yêu cầu quy định và chủ động triển khai các cam kết bền vững. Nhà máy tái chế sinh học PET sẽ có công suất xử lý 50.000 tấn rác thải PET sau tiêu dùng mỗi năm (tương đương 2 tỷ chai PET màu, 2,5 tỷ khay PET hoặc 300 triệu áo phông) và sẽ xử lý được các loại rác thải ít/ hoặc không có giá trị như chai nhựa PET có màu, khay đựng thức ăn và hàng dệt may. Nhà máy sẽ tạo ra 150 việc làm trực tiếp và gián tiếp cho khu vực.

Trước đó, vào tháng 10 năm 2023, Carbios đã nhận được giấy phép xây dựng và vận hành. Nhà máy hiện đang được xây dựng tại Longlaville thuộc vùng Grand-Est trên khu đất được mua lại từ Indorama Ventures  vào ngày 14/12/2024.

Nguồn: bioplasticsmagazine.com

Cùng AnEco “Tiêu dùng văn minh – Giảm sinh rác nhựa”

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, lượng hàng hóa sử dụng vào các dịp lễ Tết trong những ngày đầu năm thường có xu hướng tăng 15 – 30%. Song song với đó là việc gia tăng số lượng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Nhằm “tiếp lửa” cho hoạt động hạn chế rác thải nhựa của các siêu thị/ nhà bán lẻ trong Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi nylon trong mùa mua sắm cao điểm (Tết Nguyên đán), đồng thời nhằm lan tỏa ý thức có trách nhiệm trong việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần và nâng cao ý thức cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người,  Chiến dịch “Tiêu dùng văn minh – Giảm sinh rác nhựa” do Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam đã được tổ chức tại AEON Hà Đông từ ngày 24-25/01/2024.

“Chiến dịch là một trong những hoạt động tiếp nối các hoạt động giảm nhựa của Liên minh, được kỳ vọng sẽ thu hút sự tham gia của đông đảo của một lượng lớn khách hàng thông qua thực hành các biện pháp giảm nhựa. Khách hàng sẽ được cùng nhau trải nghiệm các hoạt động như vẽ tranh trên túi vải với các thông điệp giảm rác thải nhựa, tham gia chương trình “Túi đổi túi” nhằm hạn chế sử dụng túi ni-lông trong quá trình mua sắm,… Các chương trình “Webgame” hay tái chế các chai nhựa đã qua sử dụng sẽ giúp khách hàng khám phá và tìm hiểu cách thức giảm rác thải nhựa từ hoạt động tiêu dùng hàng ngày”- ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Tại sự kiện, góc trưng bày các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn của AnEco đã thu hút sự chú ý của khách tham quan với sự đa dạng sản phẩm từ túi rác, màng bọc thực phẩm, khăn trải bàn đến các loại bát đĩ ăn dặm trẻ em với những đặc tính “CHUẨN XANH” đầy ấn tượng.

AnEco với đa dạng sản phẩm xanh
AnEco với đa dạng sản phẩm xanh

Một số hình ảnh khác tại sự kiện:

Ông Nguyễn Lê Thăng Long – Phó Tổng Giám Đốc Tập đoàn An Phát Holdings (bên trái) và Ông Satoshi Nishikawa – Giám đốc cấp cao Đại diện Khu vực phía Bắc và văn phòng Hà Nội, AEON Việt Nam
Khách tham quan trải nghiệm sản phẩm AnEco
Khách tham quan trải nghiệm sản phẩm AnEco

Nói “KHÔNG” với nhựa tự hủy OXO, mở đường cho nhựa “xanh”

Dù về bản chất, bao bì từ nhựa tự hủy OXO gây tác hại cho môi trường, song loại nhựa này vẫn đang được bày bán tràn lan trên thị trường với mức giá cạnh tranh, người tiêu dùng khó phân biệt được sản phẩm nhựa tự hủy OXO, nhất là khi có nhiều sản phẩm nhựa tự hủy OXO được dán mác “phân hủy sinh học hoàn toàn”. Làm thế nào để xã hội chuyển đổi nhận thức và tạo dư địa phát triển cho nhựa phân hủy sinh học? 

Người tiêu dùng “bối rối”  

Ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay ở bất cứ tỉnh thành nào của Việt Nam, từ cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ cho đến siêu thị, trung tâm thương mại đều có thể dễ dàng tìm thấy nhiều sản phẩm ghi nhãn mác tự hủy, thân thiện môi trường với đa dạng xuất xứ, nguồn gốc. Các sản phẩm này có giá thành rẻ, tiệm cận với các sản phẩm nhựa truyền thống và chủ yếu là các sản phẩm nhựa thông thường, nhựa tự hủy OXO chỉ có khả năng phân rã thành vi nhựa độc hại mà không có khả năng phân hủy. 

Quá trình vi nhựa đi vào chuỗi thức ăn của con người 
Quá trình vi nhựa đi vào chuỗi thức ăn của con người

“Không phân biệt được đâu là túi nhựa chỉ phân rã (làm từ nhựa tự hủy OXO) và túi nhựa phân hủy sinh học. Thông thường tôi sẽ chọn mua những mặt hàng có ghi sản phẩm phân hủy sinh học chứ ít quan tâm đến thành thành phần trong đó” – đây là nhận xét chung của nhiều người đi mua hàng tại các siêu thị tại Hà Nội. 

Những hiểu biết chưa tường tận về các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường là tình trạng chung của phần lớn người tiêu dùng Việt Nam hiện nay. Chính những bao bì gắn mác “tự hủy sinh học”, “phân hủy sinh học” đã trở thành “tem đảm bảo” cho những sản phẩm nhựa tự hủy OXO đến tay người tiêu dùng dễ dàng hơn. Với giá thành rẻ hơn, cán cân thị trường đang nghiêng về phía nhựa tự hủy OXO. 

Chính vì bất cập này mà hiện nay, một số doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm nhựa phân hủy sinh học ở Việt Nam đi tìm “miền đất hứa” ở các thị trường khó tính khác như Châu Âu, Nhật Bản… Doanh nghiệp cũng “e ngại” khi đầu tư nguồn vốn lớn để phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, bởi nhìn thấy hiện trạng nhãn tiền: Sản phẩm nhựa phân hủy sinh học chưa thắng thế trên “sân nhà”. 

Mở đường cho nhựa phân hủy sinh học 

Trăn trở với con đường phát triển của ngành nhựa Việt Nam, ông Nguyễn Lê Thăng Long – Chủ tịch Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) cho biết: “Nếu không có các biện pháp hạn chế các sản phẩm không thân thiện với môi trường, người dân sẽ vẫn tiếp tục sử dụng. Chúng ta có đánh thuế vào những sản phẩm đó nhưng mức thuế ấy không cao thì cũng khó tạo ra sự khác biệt lớn”. 

Cần có chính sách mạnh mẽ đối với các sản phẩm không thân thiện môi trường để mở đường cho các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học nội địa 
Cần có chính sách mạnh mẽ đối với các sản phẩm không thân thiện môi trường để mở đường cho các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học nội địa

Đồng quan điểm với ông Long, TS. Trịnh Thái Hà – Giám đốc Quốc gia Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa Việt Nam (NPAP) nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách, quy chế, quy chuẩn trong việc sử dụng bao bì nhựa, không gián tiếp cổ xúy cho loại vật liệu tiêu cực. 

Đi đầu trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ nhựa phân hủy sinh học, đại diện CTCP Nhựa An Phát Xanh (thành viên Tập đoàn An Phát Holdings) – đơn vị sở hữu thương hiệu AnEco cho rằng, bên cạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các loại sản phẩm, hàng hóa có khả năng phát tán ra môi trường vi nhựa độc hại, Chính phủ nên tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển sản phẩm phân hủy sinh học thực sự. 

Trong xu thế chung về sự phát triển năng động liên tục của ngành nhựa sinh học toàn cầu, tiềm năng phát triển thị trường nhựa phân hủy sinh học của Việt Nam rất lớn. Mở đường cho doanh nghiệp chủ động đầu tư vào sản xuất sản phẩm xanh chính là chìa khóa để tạo nên nền kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững. 

AnEco – Tiên phong sản phẩm xanh “Made-in Việt Nam” 

AnEco là thương hiệu đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng chỉ TUV Vincotte OK Home Compost cho các sản phẩm túi vi sinh phân hủy hoàn toàn. 

Các sản phẩm xanh của AnEco được làm từ tinh bột ngô, phân hủy hoàn toàn sau 6 tháng chôn xuống đất 
Các sản phẩm xanh của AnEco được làm từ tinh bột ngô, phân hủy hoàn toàn sau 6 tháng chôn xuống đất

Các sản phẩm của AnEco đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn là sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn, thành phần bao gồm tinh bột ngô và đang được khách hàng đánh giá cao, đặc biệt là thị trường quốc tế. AnEco khi được chôn xuống đất, trong vòng 6 tháng sẽ phân hủy thành CO2, nước và phân mùn nuôi cây trồng, 100% phân hủy hoàn toàn. Tuy nhiên, ngay cả trong điều kiện chôn ủ tự nhiên tại các bãi rác như ở Việt Nam, sản phẩm này cũng có thể phân huỷ 100% trong khoảng thời gian 1-2 năm mà không để lại vi nhựa, không gây ô nhiễm môi trường. 

Hiện nay, các sản phẩm túi của AnEco đang được bán thông qua sàn thương mại điện tử Shopee và có mặt tại nhiều nhà hàng, khách sạn. Sản phẩm cũng đồng hành cùng nhiều thương hiệu kinh doanh thực phẩm và đồ uống. Ngoài ra, AnEco cũng đã có mặt tại hơn 20 quốc gia, chinh phục cả những thị trường yêu cầu cao như Mỹ, Canada, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu. Đặc biệt trong đó, AnEco được tập trung đẩy mạnh tại thị trường Mỹ thông qua sàn thương mại điện tử Amazon. 

Hồng Kông cấm đồ ăn bằng nhựa dùng 1 lần từ 2024

Hồng Kông sẽ cấm bộ đồ ăn bằng nhựa dùng một lần tại các nhà hàng từ ngày 22/4/2024. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực sau khi việc tính phí túi đựng rác thải bắt đầu vào ngày 1/4/2024.


Lệnh cấm sẽ được thực hiện theo hai giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu là cấm bán và phân phối bộ đồ ăn bằng nhựa dùng một lần, chẳng hạn như hộp đựng bằng polystyrene giãn nở, ống hút nhựa, que khuấy và các loại dao thìa dĩa nhựa.

Ngoài ra, các sản phẩm đã có giải pháp thay thế không phải nhựa, chẳng hạn như tăm bông, vỏ ô và que phát sáng cũng sẽ bị cấm trong giai đoạn này. Các khách sạn và nhà nghỉ sẽ bị cấm cung cấp đồ vệ sinh cá nhân đựng trong hộp nhựa dùng một lần và các loại chai nước nhựa miễn phí.

Giai đoạn hai, có thể bắt đầu sớm nhất là vào năm 2025, sẽ cấm hộp đựng thức ăn bằng nhựa và phân phối miễn phí các sản phẩm như chỉ nha khoa và nút tai có thân nhựa. Các cơ quan quản lý môi trường Hồng Kông đã xây dựng một nền tảng trực tuyến với lời khuyên về cung cấp bộ đồ ăn dùng một lần không dùng nhựa, cho thuê các loại dao thìa dĩa và dịch vụ vệ sinh để hỗ trợ ngành ăn uống, nhà cung cấp và công chúng.

Cục Môi trường và Sinh thái của Hồng Kông ban đầu đã công bố kế hoạch bắt đầu lệnh cấm sớm nhất vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024. Tuy nhiên, gần đây họ đã thay đổi và cho biết luật mới sẽ có hiệu lực vào quý 2 năm sau.

Ông Tommy Cheung, thành viên của Hội đồng Lập pháp Hong Kong, đại diện cho ngành Dịch vụ ẩm thực (The Catering Functional Constituencies) lo ngại rằng ngay sau lệnh cấm đồ nhựa dùng 1 lần sẽ là việc áp dụng thu phí với rác túi nhựa. Ông Cheung cũng kêu gọi các nhà hàng tránh tích trữ đồ nhựa dùng 1 lần để tránh vi phạm các quy định mới sau khi luật thay đổi và nên tìm kiếm các giải pháp thay thế càng sớm càng tốt.

Nhà lập pháp Elizabeth Quat, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề về môi trường, giải thích luật này sẽ “có tác động sâu rộng, không chỉ đối với cuộc sống của người dân mà còn đối với doanh nghiệp” và cần các cuộc thảo luận chi tiết để tất cả mọi người cùng hiểu, sáng tỏ những hiểu lầm nếu có.

Bộ trưởng Môi trường và Sinh thái, Tse Chin-wan cho biết chính quyền sẽ đưa ra cảnh báo cho những người vi phạm trong 2 tháng đầu tiên khi lệnh cấm có hiệu lực, sau đó sẽ chuyển sang hành động cưỡng chế. Ngoài ra, một đường dây nóng sẽ được thiết lập để giải quyết các thắc mắc và khiếu nại của công chúng.

Nhà lập pháp Cheung cũng yêu cầu các quan chức môi trường đánh giá tác động của lệnh cấm đối với nền kinh tế và người dân trước khi giai đoạn 2 bắt đầu. “Nếu ảnh hưởng nghiêm trọng, tôi nghĩ chính quyền nên chờ đợi thêm 1 thời gian nữa.”

Ông Gary Chan Hak-kan thuộc Liên minh Dân chủ vì sự tiến bộ và phát triển của Hồng Kong (DAB), cho biết chính phủ nên thay đổi thói quen của các nhà hàng, vì giờ đây họ đang có xu hướng cho các dụng cụ ăn uống dùng 1 lần vào trong các đơn take-away.

Nhà lập pháp Peter Shiu Ka-fai cũng cảnh báo công chúng nên chuẩn bị tinh thần cho việc các chủ nhà hàng sẽ tính thêm chi phí khi lệnh cấm diễn ra. “Không có bữa trưa nào miễn phí”, ông chia sẻ “sự chênh lệch giá giữa các bộ dụng cụ ăn uống bằng nhựa và các sản phẩm thay thế khác không chỉ là vài % mà có thể là gấp nhiều lần.”

Ông Shiu cũng kêu gọi chính quyền Hồng Kong khuyến khích người sử dụng lao động mua các vật phẩm có thể tái sử dụng cho nhân viên.

Một ý kiến khác cũng cho biết chính phủ nên tăng cường nỗ lực thúc đẩy tái sử dụng và tái chế để cắt giảm rác thải tại nguồn.

Bên cạnh đó, các nhà bảo vệ môi trường vẫn tiếp tục kêu gọi chính phủ Hồng Kong đưa ra lệnh cấm càng sớm càng tốt và tránh trì hoãn việc triển khai giai đoạn 2. “Việc thực hiện sớm lệnh cấm nhựa dùng một lần có thể giúp người dân thay đổi thói quen, trước khi thực hiện việc thu phí khác vào ngày 1/4”.

Theo kế hoạch hiện tại, 2 giai đoạn chỉ diễn ra cách nhau 22 ngày, như vậy, người dân sẽ phải thích ứng với cả 2 trong một thời gian ngắn, điều này có thể gây ra phản ứng dữ dội hơn so với thỏa thuận ban đầu.”

Nhà vận động Leane Tam Wing-lam cho biết chính phủ nên ấn định chắc chắn ngày bắt đầu giai đoạn 2 và khởi động một chiến dịch quảng bá.

“Bên cạnh việc cấm nhựa, chính phủ các nước khác đang đầu tư nguồn lực để thúc đẩy các giải pháp tái sử dụng nhằm thay thế bộ đồ ăn dùng một lần.” Ông Tam chia sẻ “Nếu không, ngành nhà hàng sẽ chuyển sang các sản phẩm làm bằng vật liệu khác, làm giảm đáng kể hiệu quả giảm thiểu chất thải.”

Chương trình tính phí chất thải rắn có nghĩa là công chúng phải mua túi nhựa do chính phủ chỉ định, có 9 kích cỡ, với mỗi lít dung tích có giá 11 cent HK (1,4 cent Mỹ).

Chương trình sẽ có thời gian ân hạn 6 tháng sau khi quy định có hiệu lực.

Nguồn: scmp.com

Hoa Kỳ áp thuế mới dành riêng cho doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu nhựa nguyên sinh

Đảng Dân chủ tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ ngày 19/9/2023 đã đưa ra dự luật nhằm hạn chế rác thải nhựa bằng cách áp thuế mới đối với các nhà sản xuất và nhập khẩu nhựa nguyên sinh dành cho nhựa sử dụng một lần.

Nhựa nguyên sinh dành cho sản xuất đồ dùng một lần sẽ bị đánh thuế

Thượng nghị sĩ Shelden Whitehouse thuộc Ủy ban Tài chính và Ủy ban Môi trường và Công trình công cộng thượng viện Mỹ và Hạ nghị sĩ Lloyd Dogget của Ủy ban Phương tiện và Cách thức Hạ viện Mỹ đã công bố“REDUCE Act”.

Thông báo được đưa ra từ văn phòng Doggett, cho biết sẽ bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt 10 xu mỗi pound (sau tăng lên 20 xu) đối với việc bán nhựa nguyên sinh được sử dụng cho các sản phẩm sử dụng một lần như bao bì, hộp và túi đựng thực phẩm và đồ uống.

Thuế sẽ được áp dụng cho các sản phẩm nhập khẩu, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ và các nhà nhập khẩu một lượng nhỏ nhựa sẽ được miễn trừ. Đồng thời, xuất khẩu, nhựa tái chế và nhựa nguyên sinh được sử dụng để sản xuất các sản phẩm và bao bì y tế, sản phẩm vệ sinh cá nhân và sử dụng trong vận chuyển các vật liệu nguy hiểm… sẽ được miễn trừ.

Người phát ngôn của văn phòng Doggett chia sẻ với Inside U.S. Trade rằng thuế sẽ áp dụng cho các sản phẩm nhập khẩu và “tất cả công ty – ở Mỹ hoặc doanh nghiệp nước ngoài – đều sẽ bị ảnh hưởng”.

Hạt nhựa nguyên sinh được sản xuất từ nguồn tài nguyên thiên nhiên, trước đây chưa được ứng dụng trong hàng tiêu dùng, trong khi đó hạt nhựa tái chế có nguồn gốc từ các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, mỗi năm, mỗi người Mỹ thải ra khoảng 221kg rác thải nhựa, các nhà lập pháp Mỹ đang nỗ lực tìm cách thúc đẩy tái chế và giảm ô nhiễm nhựa.

Whitehouse, một người ủng hộ môi trường lâu năm, cho biết “Chúng ta đang sống chung với làn sóng ô nhiễm nhựa.”. “Phí gây ô nhiễm nhựa sẽ buộc các công ty nhựa lớn nhất phải chịu trách nhiệm về thiệt hại mà họ gây ra và làm gia tăng lượng nhựa thực sự được tái chế.”

Nhựa xuất khẩu và nhựa tái chế sẽ được trong danh sách miễn trừ. Dự luật cũng bao gồm một số quy định về nhựa nguyên sinh được sử dụng để sản xuất các sản phẩm và bao bì y tế, sản phẩm vệ sinh cá nhân và sử dụng trong vận chuyển các vật liệu nguy hiểm. Các doanh nghiệp nhỏ cũng sẽ được miễn trừ, cũng như các đơn vị nhập khẩu một lượng nhỏ nhựa.

Dự luật này không phải là nỗ lực đầu tiên của Whitehouse nhằm thực hiện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhựa nguyên sinh. Trước đó, vào năm 2021, Thượng nghị sĩ đã đưa ra một dự luật tương tự nhưng không được thông qua. Tax Foundation – một tổ chức tư vấn chính sách thuế ở Washington DC đã phản đối với lập luận rằng việc giảm giá của dự luật đói với các sản phẩm được miễn thuế sẽ đặt ra những gánh nặng hành chính mới và không cần thiết cho doanh nghiệp.

Lần này, các nhà lập pháp đã làm việc với Bộ Tài Chính và Sở Thuế vụ “để thiết kế một khoản miễn trừ trả trước cho các công ty trải qua quy trình đăng ký hàng năm và chứng nhận rằng nhựa mà họ sản xuất sẽ không được sử dụng cho các sản phẩm nhựa dùng một lần.” Cách tiếp cận này sẽ giống với các cơ chế được sử dụng trong các hệ thống thuế khác.

Người phát ngôn của Văn phòng Doggett cho biết thêm “Các công ty không biết hoặc không thể chứng minh được nhựa của họ có được sử dụng để sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần hay không sẽ vẫn phải trả trước thuế và trải qua quy trình giảm giá.”

Adam Hoffer, giám đốc chính sách thuế tiêu thị đặc biệt tại TaxFoundation cho biết: “Chúng tôi rất vui khi thấy phản hồi đã được xem xét.”

Tuyên bố của Doggett cho biết một số nhóm hoạt động vì môi trường hàng đầu, bao gồm Greenpeace, Oceana, Plastic Pollution Coalition và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên đã tán thành dự luật này.

Nguồn: insidetrade.com

Các nhà khoa học Nhật Bản tìm thấy hạt vi nhựa trong các đám mây

Các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm thấy từ 6,7 – 13,9 hạt vi nhựa trong mỗi lít nước được lấy từ các đám mây thử nghiệm. 

Theo đó, trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Environmental Chemistry Letters gần đây, các nhà khoa học Nhật Bản đã thu thập nước từ sương mù bao phủ núi Phú Sĩ và núi Oyama, sau đó áp dụng các kỹ thuật hình ảnh tiên tiến để xác định tính chất vật lý và hóa học của chúng. 

Các nhà khoa học đã tìm thấy hạt vi nhựa trong các đám mây trên đỉnh núi Phú Sỹ (Nhật Bản). Ảnh: Flickr

Nhóm nghiên cứu đã xác định được 9 loại polyme và một loại cao su trong các hạt vi nhựa có kích thước dao động từ 7,1 – 94,6 µm. Mỗi lít nước thu được từ các đám mây mù thử nghiệm chứa từ 6,7 đến 13,9 hạt vi nhựa. 

Tác giả chính của nghiên cứu, ông Hiroshi Okochi của Đại học Waseda, cảnh báo: “Nếu vấn đề ‘ô nhiễm không khí nhựa’ không được chủ động giải quyết, các rủi ro về biến đổi khí hậu và sinh thái sẽ ngày càng hiện rõ, gây ra những thiệt hại môi trường nghiêm trọng và không thể khắc phục được trong tương lai”. 

Ông Okochi cho biết, khi các hạt vi nhựa tiếp cận tầng khí quyển phía trên và tiếp xúc với bức xạ tia cực tím từ ánh sáng mặt trời, chúng sẽ phân hủy, góp phần tạo ra khí nhà kính. 

Vi nhựa – được định nghĩa là các hạt nhựa có kích thước dưới 5 mm có nguồn gốc từ nước thải công nghiệp, dệt may, lốp ô tô tổng hợp, sản phẩm chăm sóc cá nhân và các nguồn khác – đã được phát hiện bên trong các con cá ở biển Bắc Cực và trong tuyết trên dãy núi Pyrenees nằm giữa Pháp và Tây Ban Nha. 

Tuy nhiên, cơ chế di chuyển của chúng đến các địa điểm trên vẫn chưa rõ ràng, đặc biệt là nghiên cứu về di chuyển vi nhựa trong không khí còn hạn chế. Theo các tác giả, đây cũng là báo cáo đầu tiên về vi hạt nhựa trong mẫu nước lấy từ các đám mây mù. 

Đại học Waseda cho biết nghiên cứu này cũng cho thấy vi nhựa được con người cũng như động vật ăn hoặc hít phải và ở trong nhiều cơ quan như phổi, tim, máu, nhau thai và phân. “Mười triệu tấn hạt vi nhựa này trôi ra đại dương, thoát ra theo dòng nước biển và tìm đường vào khí quyển. Điều này cho thấy vi nhựa có thể đã trở thành một thành phần thiết yếu của các đám mây, làm ô nhiễm hầu hết mọi thứ chúng ta ăn và uống thông qua các cơn ‘mưa nhựa’”, trường đại học cho biết khi công bố kết quả nghiên cứu mới. 

(Theo Aljazeera)