Doanh nghiệp nhựa cần lộ trình để chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm xanh

Dù còn nhiều thách thức, chuyển đổi sản xuất sản phẩm xanh được cho là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp nhựa, đặc biệt khi các chính sách quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), cấm và hạn chế sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần đi vào thực tiễn.  

 “Sản xuất xanh sẽ là xu thế tất yếu của doanh nghiệp nhựa” – Đó là nhận định của ông Nguyễn Lê Thăng Long – Chủ tịch Hiệp hội nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường EPMA tại Hội thảo Nhựa sinh học quốc tế 2023 (International Bioplastic Conference 2023) được tổ chức vào ngày 6/9/2023 – 7/9/2023 vừa qua tại Seoul, Hàn Quốc.  

Hội thảo do Thành phố Seoul và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng phối hợp tổ chức với sự tham dự của hơn 500 chuyên gia, bao gồm các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam. Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến các chính sách và thị trường nhựa sinh học của các quốc gia trên thế giới, các vấn đề môi trường do nhựa gây ra và triển vọng của nhựa phân hủy sinh học để giúp các quốc gia giảm thiểu ô nhiễm nhựa, đạt được mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững.  

Ông Nguyễn Lê Thăng Long đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam trình bày bài tham luận tại Hội thảo Nhựa sinh học quốc tế 2023

Trình bày tại Hội thảo bài tham luận “Thị trường nhựa sinh học Việt Nam”, ông Long đã cập nhật các chính sách mới nhất liên quan đến lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Trong đó, nổi bật nhất là quy định mới của Luật bảo vệ môi trường – Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Theo đó, từ ngày 01/01/2026, Việt nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 μm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý theo quy định. Sự ra đời của Hội đồng EPR quốc gia năm 2023 là một trong những hành động mang tính chiến lược từ Chính phủ nhằm nâng cao trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất để giảm thiểu ô nhiễm nhưa và hỗ trợ điều luật này đi vào thực tiễn.  

Ông Nguyễn Lê Thăng Long (thứ 3 từ phải sang) cùng Chủ tịch Hiệp hội Nhựa sinh học các quốc gia tại Hội nghị Nhựa sinh học quốc tế 2023

Cũng theo nghị định này, sau ngày 31/12/2030, các doanh nghiệp được yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm có chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường. 

Với những quy định trên, theo ông Long, doanh nghiệp sản xuất cần sớm xây dựng lộ trình để chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm xanh hoặc phải có phương án chuẩn bị cho chi phí tái chế theo luật định. Một trong các giải pháp tiềm năng đối với các nhà sản xuất sản phẩm sử dụng một lần được ông Long nhắc đến đó là chuyển dịch cơ cấu sang sản xuất dòng sản phẩm nhựa sinh học có khả năng phân hủy. Đây là dòng sản phẩm thân thiện môi trường, có khả năng phân hủy thành nước, CO2 và mùn chỉ trong 6 – 12 tháng. Tại Việt Nam, một trong những nhà sản xuất đi đầu về sản xuất dòng sản phẩm này là Tập đoàn An Phát Holdings. Dòng sản phẩm này đã giúp An Phát Holdings gặt hái nhiều thành công như lọt top những nhà bán hàng tốt nhất trên Amazon Hoa Kỳ với doanh thu và sản phẩm bán ra năm 2023 tăng trưởng gấp 27 lần so với năm 2022. Bên cạnh đó, sản phẩm thân thiện môi trường của An Phát Holdings cũng thành công chinh phục nhiều thị trường khó tính như Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada… 

Sản phẩm nhựa phân hủy sinh học là giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm nhựa

Mặc dù chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường được cho là xu thế tất yếu, các doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như thiếu hụt về vốn, công nghệ. Hơn nữa, do thiếu các tiêu chí cụ thể về sản phẩm xanh nên nhiều sản phẩm có giá thành rẻ, không thân thiện môi trường nhưng vẫn được gắn mác xanh và cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm thân thiện môi trường thật sự, vốn có giá thành cao hơn gấp 1,5 – 2 lần.  

“Dự đoán đến năm 2030, nhu cầu thị trường cho sản phẩm nhựa sinh học tại Việt Nam là khoảng 80.000 tấn. Do đó, đây là một thị trường rất tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác. Tuy nhiên, để có thể sản xuất ra các sản phẩm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị kĩ lưỡng về nguồn vốn, công nghệ để có thể chuyển đổi sang sản xuất các dòng sản phẩm mới, thân thiện môi trường, mang hàm lượng công nghệ cao”, ông Long chia sẻ.  

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường (EPMA), ông Long cho biết Hiệp hội sẽ thúc đẩy kết nối với nhiều nhà sản xuất hơn nữa để phát triển các dòng sản phẩm mới, thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh trong nước, góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.  

Hàn Quốc: Cấm nhựa dùng một lần tại các công viên dọc sông Hàn vào năm 2025

Thành phố Seoul sẽ cấm cốc và hộp nhựa ở các công viên dọc sông Hàn vào năm 2025 trong nỗ lực nhằm giảm thiểu đồ nhựa sử dụng một lần của thành phố này. 

Ngày 7/9/2023, Chính quyền thủ đô Seoul đã công bố các biện pháp đối phó toàn diện chống lại sự gia tăng của hộp nhựa sử dụng một lần từ đại dịch COVID-19. Thông qua các biện pháp này, thành phố đặt mục tiêu hạn chế 10% chất thải nhựa và tăng tỷ lệ tái chế lên 10%. Tỷ lệ tái chế hiện tại ở mức 69% và thành phố đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 79% vào năm 2026. 

Cốc nhựa dùng một lần trong một quán cà phê nhượng quyền tại Seoul. Ảnh: Yonhap

 Ông Lee In-keun, người đứng đầu Trụ sở Khí hậu và Môi trường của chính quyền thành phố, cho biết: “Ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng là một vấn đề lớn liên quan trực tiếp đến sự sống còn của thành phố và người dân. Vì vậy, chúng ta không thể trì hoãn việc ứng phó này”. 

Theo chính quyền thành phố, một trong những biện pháp trước mắt là phân công các công viên ven sông Hàn tiên phong trong việc cấm sử dụng nhựa dùng một lần vào năm 2025. Với mục tiêu đó, các xe bán đồ ăn tại Công viên Banpo Hangang đã thay đổi hộp đựng dùng một lần thành hộp có thể tái sử dụng. Công viên Ttukseom Hangang cũng sẽ bắt đầu triển khai áp dụng sáng kiến này vào năm 2024, trước khi lệnh cấm có hiệu lực đối với tất cả các công viên khu vực này vào năm 2025. 

Để đạt được mục tiêu này, chính quyền thành phố lên kế hoạch cử các cán bộ đến kiểm tra thường xuyên các điểm dịch vụ giao hàng của các công viên. 

Bà Jung Mi-sun, Giám đốc Cục Cơ sở Phục hồi Tài nguyên của thành phố Seoul, cho biết: “Sẽ là một thách thức khi áp dụng các hình phạt pháp lý đối với các cửa hàng và du khách sử dụng hộp đựng dùng một lần nên trước mắt đây chỉ là quy định để mọi người tuân theo”. 

Hệ thống ký gửi cho cốc dùng một lần cũng sẽ được triển khai vào năm 2025. Đối với những khách hàng ở quán cà phê chọn cốc dùng một lần sẽ phải trả thêm 300 KRW (khoảng hơn 5.000 VND). Trước đó, thành phố Sejong và đảo Jeju cũng đã thử nghiệm hệ thống ký gửi kể từ tháng 12/2022 với kết quả đầy hứa hẹn – 3,14 triệu cốc dùng một lần đã được thu thập sau khi triển khai.  

Ước tính có khoảng 630 triệu cốc nhựa dùng một lần được sử dụng hàng năm tại các quán cà phê ở Seoul. Theo chính quyền thành phố, việc chuyển đổi sang cốc dùng nhiều lần có khả năng giảm lượng khí thải nhà kính 54 gram/cốc. Thành phố này cũng sẽ khuyến khích sử dụng cốc sử dụng nhiều lần tại các cơ sở khác như rạp chiếu phim, nhà thi đấu thể thao,… nhằm giảm số lượng cốc dùng một lần xuống còn khoảng 100 triệu. 

Để giúp tăng tỷ lệ tái chế, Seoul đang nghiên cứu tái chế nhựa thải làm nguyên liệu thô. Thành phố đã ký kết hợp tác kinh doanh với các công ty kỹ thuật dầu khí và hóa chất để sản xuất dầu nhiên liệu hoặc vật liệu tái chế từ túi nhựa thải ô nhiễm hoặc rác thải composite bằng công nghệ nhiệt phân.  

Cách tiếp cận toàn diện của Seoul để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa phản ánh những nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề cấp bách này. Cụ thể, Đức đã bắt buộc sử dụng hộp đựng có thể tái sử dụng tại các nhà hàng và dịch vụ giao hàng kể từ tháng 1 năm nay. Liên Hợp Quốc cũng đã cam kết thiết lập một thỏa thuận quốc tế để quản lý ô nhiễm nhựa vào năm 2025. 

“Chúng tôi hy vọng Seoul có thể trở thành một thành phố kiểu mẫu bằng cách giảm sử dụng nhựa dùng một lần và tái chế tài nguyên rác thải”, ông Lee chia sẻ.  

Nguồn The Korea Times: https://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2023/09/113_358707.html

Khám phá chứng chỉ mới dành cho túi phân hủy sinh học DINplus

Kể từ tháng 7 năm 2023, DIN CERTCO GmBH (một tổ chức chứng nhận do Tập đoàn TUV Rheinland và DIN, Viện Tiêu chuẩn hóa Đức điều hành) ra mắt một khung chứng nhận mới theo tiêu chuẩn EN 17427:2022 “Bao bì – Những yêu cầu và chương trình thử nghiệm dành cho các loại túi phù hợp để xử lý trong các cơ sở ủ rác tại hộ gia đình”.

Dựa trên một tiêu chuẩn của Pháp, EN 17427 đã được phát triển theo chuẩn Châu âu trong nhiều năm qua và chính thức hoàn thiện vào 2022. Phạm vi của tiêu chuẩn này được áp dụng cho các loại túi đựng có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn tại nhà. Ngoài các yêu cầu về khả năng phân hủy và đặc tính phân hủy sinh học, tiêu chuẩn này còn bao gồm các thông số kỹ thuật cho các thử nghiệm độc tính sinh thái trên diện rộng và các chất có mối quan ngại cao. Cách thức xử lý tốt các hệ thống ủ phân hữu cơ tại nhà cũng được nêu rõ trong nội dung tiêu chuẩn, dựa vào đó xác định các loại túi có khả năng phân hủy sinh học.

Với chứng nhận mới này, các loại túi đựng hàng, túi đựng thực phẩm, túi rác phù hợp sẽ được dán nhãn chứng nhận “Túi sinh học phân hủy hoàn toàn tại nhà DINplus”. Mô-đun này cũng sẽ áp dụng để chứng nhận cho các nguyên liệu và các sản phẩm bán thành phẩm tương ứng.

Hệ thống chứng nhận theo tiêu chuẩn Châu Âu này, được kì vọng sẽ gia tăng niềm tin cho toàn bộ chuỗi giá trị bao gồm nhà sản xuất, nhà bán lẻ, người tiêu dùng và cơ quan quản lý.

Nguồn: bioplasticsmagazine.com

Đáng báo động: Vi nhựa lần đầu tiên được tìm thấy trong tim người

Vi nhựa thường được tìm thấy trong bao bì thực phẩm và sơn, nay lần đầu tiên được phát hiện trong tim người. Phát hiện đáng báo động này được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học từ bệnh viện Anzhen Bắc Kinh (Trung Quốc), họ đã phân tích mô tim của 15 bệnh nhân trải qua phẫu thuật tim mạch, theo nghiên cứu được công bố bởi Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ.

Vi nhựa, có chiều rộng chưa đến 5 mm, hoặc bằng kích thước của một cục tẩy bút chì, có khả năng xâm nhập vào cơ thể con người qua miệng, mũi và các khoang khác trên cơ thể.

Bác sĩ Kun Hua, Xiubin Yang và các thành viên khác trong nhóm muốn nghiên cứu liệu các hạt này có thể xâm nhập vào hệ thống tim mạch của con người thông qua tiếp xúc gián tiếp và trực tiếp hay không.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập và phân tích mô tim của bệnh nhân cũng như mẫu máu của một nửa số người tham gia.

Họ “đã phát hiện hàng chục đến hàng nghìn mảnh vi nhựa riêng lẻ trong hầu hết các mẫu mô” và trong tất cả các mẫu máu.

9 loại nhựa đã được tìm thấy trong 5 loại mô tim. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một số hạt nhựa có thể đã xâm nhập vào bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật trước đó.

Polyethylene terephthalate, có trong quần áo và các hộp đựng thực phẩm, và polyvinyl chloride (PVC) – loại được dùng trong khung cửa sổ, ống thoát nước, sơn… cũng được tìm thấy.

Các nhà khoa học kết luận “Việc phát hiện vi nhựa là vô cùng đáng báo động và cần phải được nghiên cứu sâu rộng hơn nhằm xác định cách thức vi nhựa xâm nhập vào các mô tim và tác động tiềm ẩn của chúng đối với tiên lượng lâu dài sau phẫu thuật tim.”

Năm ngoái, một nghiên cứu cũng đã cho thấy con người tiêu thụ khoảng 5 gam nhựa nhỏ mỗi tuần, tương đương với trọng lượng 1 chiếc thẻ tín dụng của bạn.

Các nhà khoa học tại Đại học Y khoa Vienna phát hiện các hạt nhựa xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người từ rác thải bao bì, và xâm nhập vào cơ thể thông qua muối biển, hải sản hay thậm chí là nước uống.

Vi nhựa có khả năng gây ra những thay đổi trong đường tiêu hóa, từ đó tác động đến các bệnh về chuyển hóa như béo phì, tiểu đường và bệnh gan mãn tính.

Nguồn: Newyork post

Indonesia sẽ cấm sản phẩm nhựa dùng một lần vào cuối năm 2029

Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp của Indonesia Siti Nurbaya Bakar cho biết, nước này sẽ  áp dụng lệnh cấm đối với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần vào cuối năm 2029, đồng thời  yêu cầu các nhà sản xuất giảm 30% việc sử dụng bao bì nhựa.  

Rác thải nhựa nằm dọc trên một con sông ở Indonesia

Bà Siti Nurbaya cho biết, lệnh cấm sẽ  áp dụng cho các loại sản phẩm như túi nilông dùng 1 lần, ống hút nhựa, dao nĩa bằng nhựa và hộp xốp đựng thực phẩm.  

Hãng thông tấn Indonesia Antara dẫn lời Bộ trưởng Siti Nurbaya Bakar  cho hay: “Đây là một cách để xử lý chất thải bao bì khó thu gom, không có giá trị kinh tế, khó tái chế và có khả năng gây ô nhiễm môi trường”. 

Một số nghiên cứu và báo cáo khác nhau chỉ ra rằng, Indonesia là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất trên thế giới. Theo số liệu báo cáo vào năm 2022 của Bộ Môi trường Indonesia, đất nước 270 triệu dân này đã thải ra 12,6 triệu tấn rác nhựa. 

Thêm một nghiên cứu khác từ nhóm môi trường Liên minh Zero Waste Indonesia cho thấy, chỉ 9% rác thải nhựa ở Indonesia được tái chế, phần còn lại kết thúc vòng đời tại các bãi chôn lấp hoặc gây ô nhiễm sông và đại dương. 

Trước tình trạng này, Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia Siti Nurbaya Bakar nhấn mạnh, các tỉnh thành sẽ được hướng dẫn xây dựng lộ trình giảm thiểu rác thải nhựa nhằm tạo bước đệm để triển khai lệnh cấm vào năm 2029. 

Tháng 7/2019, hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Bali đã trở thành tỉnh đầu tiên của Indonesia áp dụng lệnh cấm sử dụng túi nhựa, ống hút và hộp xốp dùng một lần. Tiếp đến tháng 7/2020, thủ đô Jakarta cũng ban hành lệnh cấm sử dụng túi nilon dùng một lần nhưng vẫn cho phép sử dụng ống hút nhựa, dao nĩa nhựa và hộp xốp. 

Bên cạnh đó, bà Siti Nurbaya Bakar cho rằng khu vực tư nhân cũng nên đóng góp vào tiến trình giảm thiểu rác thải nhựa. Bà yêu cầu đến năm 2029, tất cả nhà sản xuất giảm 30% chất thải bao bì nhằm kết thúc vòng đời gây ô nhiễm của các sản phẩm nhựa dùng một lần. 

Indonesia không phải là quốc gia duy nhất hy vọng chấm dứt sự phụ thuộc vào các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Vào năm 2018, Malaysia đã đặt ra một lộ trình đầy tham vọng hướng đến mục tiêu loại bỏ nhựa dùng một lần vào năm 2030. 

Để thúc đẩy mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi Khí hậu Malaysia Berhormat Nik Nazmi bin Nik Ahmad cho biết quốc gia này đặt mục tiêu cấm sử dụng túi nhựa cho mục đích bán lẻ trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh trên toàn quốc kể từ năm 2025. 

(Nguồn Channel News Asia: https://www.channelnewsasia.com/asia/indonesia-ban-single-use-plastic-end-2029-3542191)

Phương pháp chuyển đổi CO2 thành nhựa sinh học, để ứng phó với biến đổi khí hậu

Hiện tượng nóng lên toàn cầu, do phát thải khí nhà kính trong đó chủ yếu là CO2, đang trở thành vấn đề cấp thiết hiện nay. Các hoạt động sản xuất hàng loạt và không bền vững của con người đang góp phần khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần tìm đến giải pháp là nhựa sinh học, nhằm thay thế các sản phẩm truyền thống có nguồn gốc dầu mỏ gây ô nhiễm môi trường. 

Theo ghi nhận, công dân tại 19 quốc gia trên thế giới coi sự nóng lên toàn cầu là mối đe dọa lớn nhất mà đất nước họ phải đối mặt trong năm tới. Sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu, trái đất nóng lên đang làm gia tăng số ngày nắng nóng, những cơn bão, cháy rừng và các thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng hơn. 

Nạn phá rừng bừa bãi, các hoạt động nông nghiệp không bền vững và việc tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu hóa thạch là những hành động do con người gây ra, khiến sự nóng lên toàn cầu ngày càng nghiêm trọng. Mặc dù việc đốt nhiên liệu hóa thạch tạo ra nguồn năng lượng điện để chúng ta sử dụng, nhưng nó cũng thải ra khí nhà kính – chủ yếu là CO2 – tổng cộng là 5,891 triệu tấn vào năm 2020. 

Ngành sản xuất nhựa 

Sản xuất nhựa được coi là một ngành công nghiệp hoạt động dựa vào nhiên liệu hóa thạch. Với tốc độ sản xuất và tiêu thụ nhựa hiện nay, dự kiến đến năm 2050, chúng ta sẽ tạo ra 56 tỷ tấn, tương đương khoảng 13% tổng lượng khí thải carbon. Nhựa góp phần vào sự nóng lên toàn cầu bằng cách thải ra khí nhà kính ở mọi giai đoạn trong vòng đời của nó. 

Từ khởi đầu là nhiên liệu hóa thạch, nhựa được tạo ra từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch. Sau đó, nó được vận chuyển đến các địa điểm tinh chế và tinh chế bằng năng lượng thu được từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Các sản phẩm nhựa sau đó được phân phối tới người tiêu dùng và kết thúc vòng đời ở các bãi chôn lấp hoặc trung tâm tái chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Quá trình sản xuất và tiêu thụ nhựa đang làm gia tăng phát thải khí nhà kính, khiến tình trạng biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. 

Không khó để hiểu tại sao: Nhựa có nguồn gốc dầu mỏ, được chúng ta sử dụng hàng ngày, lại có tính bền, chịu nhiệt, không thấm nước, dễ tạo khuôn, không đắt đỏ, và được sử dụng rộng rãi trong ngành đóng gói. Do đó, nhựa được sản xuất hàng loạt, tiêu thụ và thải bỏ ngay lập tức, góp phần tạo ra 79% chất thải tích tụ tại các bãi chôn lấp vào năm 2015 và thải ra 850 triệu tấn khí nhà kính vào năm 2019. 

Sản xuất nhựa phân hủy sinh học từ các nguồn tài nguyên tái tạo 

Để đối phó với vấn nạn ô nhiễm nhựa và phát thải khí nhà kính, phòng thí nghiệm Bose đã sử dụng phương pháp tiếp cận liên ngành để sản xuất nhựa có khả năng phân hủy sinh học (nhựa sinh học), từ các nguồn tài nguyên tái tạo và không tạo ra dấu chân carbon. 

Polyhydroxybutyrate (PHB) thuộc nhóm polyme (PHA) có đặc tính tương tự như nhựa dầu mỏ, khiến nó trở thành ứng cử viên thích hợp để sản xuất nhựa sinh học. 

Không giống như nhựa dầu mỏ, PHB được sản xuất tự nhiên dưới dạng carbon nội bào để dự trữ năng lượng ở nhiều vi sinh vật. Vì những sinh vật này có thể khiến quá trình phân hủy PHB diễn ra nhanh hơn, nên nhựa sinh học có nguồn gốc PHB sẽ chỉ có thể tồn tại vài tuần trong các bãi chôn lấp, trong khi nhựa dầu mỏ có tuổi thọ lên tới hàng trăm đến hàng nghìn năm. Mặc dù PHB là một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn, nhưng chi phí sản xuất cao và năng suất hiệu quả thấp khiến nó trở nên quá đắt đỏ đối với người tiêu dùng. 

Sáng kiến mới cho sản xuất nhựa sinh học 

Tại Phòng thí nghiệm Bose, các nhà nghiên cứu đang tiến hành các thí nghiệm trên vi khuẩn Rhodopseudomonas palustris (TIE-1), vi khuẩn này có bốn quá trình chuyển hóa chính xoay quanh việc cố định các nguồn carbon hữu cơ hoặc vô cơ để tạo ra PHB trong quá trình quang hợp. 

Ngoài nghiên cứu sơ bộ đầy hứa hẹn với TIE-1, các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Bose đang tìm hiểu những họ hàng xa của TIE-1: Rhodomicrobium vannielii và Rhodomicrobium udaipurense. Giống như TIE-1, những con bọ này rất linh hoạt trong quá trình trao đổi chất và có thể tạo ra PHB, khiến chúng trở thành ứng cử viên thích hợp cho quá trình sản xuất nhựa sinh học. 

Tuy nhiên, Rhodomicrobium dường như chuyển đổi electron thành PHB hiệu quả hơn TIE-1 khi được nuôi cấy trong cùng điều kiện, do đó có khả năng giảm chi phí đầu vào. Tuy nhiên, các công cụ để nghiên cứu những vi sinh vật này vẫn còn khá hạn chế.  

Mặc dù việc thiếu công cụ khiến việc nghiên cứu trở nên khó khăn hơn, nhưng điều đó cũng có nghĩa là những sinh vật này có rất nhiều tiềm năng một khi chúng ta phát triển thành công các công cụ di truyền. Hiệu suất điện tử vượt trội của Rhodomicrobium so với TIE-1 cho thấy điều quan trọng là phải nghiên cứu các sinh vật mới, vì chúng có thể là một giải pháp thay thế đáng tin cậy và có giá thành rẻ hơn so với các sinh vật mẫu trong khi quá trình sản xuất nhựa sinh học.  

(Nguồn Open Access Government: https://www.openaccessgovernment.org/article/convert-co2-to-bioplastics-in-the-age-of-global-warming/162852/) 

Singapore bắt đầu thu phí túi nilon

Người tiêu dùng giờ sẽ phải trả 5 cent (khoảng 1.000đ) cho 1 túi nilon tại các cửa hàng tạp hóa hoặc phải tự mang theo các loại túi có thể tái sử dụng.

Túi nilon dùng 1 lần vẫn là 1 phần trong đời sống người dân Singapore. Nguồn ảnh: Bloomberg

Kể từ 3/7, các hệ thống siêu thị lớn ở Singapore đã bắt đầu tính phí túi nhựa dùng 1 lần. Đây là một động thái của Chính phủ nhằm khuyến khích người dân sử dụng các loại túi tái sử dụng, chậm hơn nhiều năm so với các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hơn 400 cửa hàng (2/3 tổng số siêu thị ở Singapore) đã yêu cầu tính phí người tiêu dùng ít nhất 0,05$ Sing (0,04$ Mỹ) cho mỗi túi dùng 1 lần. Phí này được áp dụng cho các loại túi bất kể chất liệu, mặc dù vậy, túi nhựa là loại được sử dụng phổ biến nhất tại các hệ thống như FairPrice, Sheng Siong và Cold Storage.

Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore cho biết: “Cho dù chúng được làm bằng chất liệu gì, rác thải dùng một lần đều có tác động đến môi trường của chúng ta trong quá trình sản xuất, vận chuyển và thải bỏ” Việc tiêu thụ các sản phẩm dùng một lần sẽ tạo ra chất thải và khí carbon, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu.

Theo kế hoạch Zero Waste, Singapore đặt mục tiêu giảm 30% lượng rác thải được đưa đến các bãi rác mỗi ngày vào năm 2030. Tuy nhiên, so với các quốc gia Châu Á khác, Singapore đang chậm trong việc giảm tiêu thụ nhựa tại các cửa hàng. Trước đó, Nhật Bản đã áp dụng một khoản phí bắt buộc đối với túi nhựa trong tất cả hệ thống bán lẻ vào năm 2020, Hàn Quốc cũng cấm túi nhựa dùng 1 lần tại các siêu thị lớn vào năm 2019, Thái Lan cũng đã triển khai lệnh cấm tương tự vào 2020.

Các nhà bán lẻ sẽ đặt các biển báo bằng tiếng Anh, tiếng Mã Lai, tiếng Trung và tiếng Tamil để thông báo cho người mua hàng về loại phí mới.

Chính phủ Singapore đang khuyến khích các chuỗi siêu thị quyên góp số tiền thu được từ phí dùng túi cho các hoạt động xã hội và môi trường. Các chuỗi cửa hàng quốc tế khác như Uniqlo của Fast Retailling Co.’s hay Cotton On của Úc tuy không nằm trong chính sách mới này nhưng cũng đã tính phí hoặc cấm hoàn toàn túi nhựa.

Nguồn: Bloomberg

Vương Quốc Anh củng cố cam kết chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040

Plastic pollution is one of the biggest environmental threats that we currently face

Vương Quốc Anh ký kết Tuyên bố cấp Bộ trưởng kêu gọi một hiệp ước chống ô nhiễm nhựa toàn cầu đầy tham vọng nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa và bảo vệ môi trường biển.

Ô nhiễm nhựa là một trong những mối đe dọa môi trường lớn nhất mà chúng ta hiện đang phải đối mặt

Vương quốc Anh, cùng với 52 thành viên khác của High Ambition Coalition (HAC), đã ký một Tuyên bố cấp Bộ trưởng có ảnh hưởng sâu rộng, kêu gọi một hiệp ước về ô nhiễm nhựa toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm và bảo vệ môi trường biển. Hơn 50 quốc gia thuộc liên mình HAC cũng đã đồng ý chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040.

Tuyên bố chung kêu gọi đưa ra một danh sách các điều khoản bắt buộc vào hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa, hiện đang trong quá trình đàm phán. Nội dung hiệp ước bao gồm việc các thành viên giảm sản xuất và tiêu thụ polyme nhựa nguyên sinh xuống mức bền vững; loại bỏ và hạn chế nhựa, hóa chất và sản phẩm không cần thiết; và loại bỏ việc thải nhựa vào tự nhiên.

Tuyên bố này được đưa ra trước thềm Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-2) lần thứ hai diễn ra tại Paris trong tháng 6 và đặt ra những tham vọng chính của HAC đối với INC-2, đưa Vương quốc Anh tiến thêm một bước tới mục tiêu chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040.

Ô nhiễm nhựa là một trong những mối đe dọa môi trường lớn nhất mà chúng ta hiện đang phải đối mặt và chúng có mối liên hệ chặt chẽ với biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học. Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng này được xây dựng dựa trên cam kết của chính phủ Vương quốc Anh trong việc hỗ trợ xây dựng một hiệp ước quốc tế đầy tham vọng, ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý, yêu cầu những hành động cấp thiết hơn đối với vấn đề nhựa và thúc đẩy sứ mệnh: bảo vệ ít nhất 30% đại dương vào 2030.

Bộ trưởng Môi trường Vương Quốc Anh Rebecca Pow cho biết: “Ô nhiễm nhựa tiếp tục có tác động tàn phá đối với đại dương, con người và môi trường. Đó là lý do tại sao điều quan trọng hơn bao giờ hết bây giờ là cần đẩy mạnh, triển khai hành động và thúc đẩy những sự thay đổi cần thiết để chấm dứt ô nhiễm nhựa trên toàn cầu.

Tôi vô cùng tự hào khi làm một trong số các thành viên của HAC ký tuyên bố này và kêu gọi các biện pháp mới, tham vọng hơn trong Hiệp ước Nhựa toàn cầu và mong đợi một số cuộc thảo luận hiệu quả sẽ được diễn ra trong cuộc họp INC – 2 sắp tới tại Paris.”

Tuyên bố của HAC được xây dựng dựa trên các cam kết và nỗ lực của Vương Quốc Anh nhằm bảo vệ và cải thiện môi trường biển.

Đầu năm nay, khi thực hiện Kế hoạch cải thiện môi trường, chính phủ Anh đã công bố 3 khu vực biển cần được ưu tiên tập trung bảo vệ và triển khai một cuộc tư vấn đề xuất các biện pháp quản lý đối với hoạt động đánh bắt với mục tiêu giảm bớt tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học biển.

Dựa trên lệnh cấm nhựa sử dụng một lần và đánh phí cho các loại túi vận chuyển sẵn có, Chính phủ Anh sẽ đưa ra các lệnh cấm tiếp theo từ tháng 10 đối với 1 loạt các mặt hàng nhựa sử dụng 1 lần, bao gồm: đĩa, dao thìa dĩa, que cắm bóng bay, các loại cốc nhựa. Vào tháng 4 vừa qua, Anh cũng đã thông báo sẽ tiến hành cấm kinh doanh các loại khăn ướt có chứa nhựa sau khi tham khảo ý kiến cộng đồng.

Phiên họp INC-2 diễn ra tại Paris là phiên họp thứ 2 trong tổng số 5 phiên họp với các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. Một hiệp ước ô nhiễm nhựa toàn cầu hy vọng sẽ được hoàn thiện vào cuối năm 2024.

Nguồn: gov.uk

Malaysia đặt mục tiêu cấm sử dụng túi nilon vào năm 2025

Đầu mẩu thuốc lá, chai nhựa, hộp xốp đựng đồ ăn mang đi, bao bì thực phẩm, túi nilon và ống hút. Đây chỉ là một số chất thải được thu gom tại các bờ biển trong các sự kiện làm sạch bờ biển quốc tế được tổ chức phi chính phủ quốc tế Reef Check thực hiện hàng năm. 

Trong suốt tháng 9 năm ngoái, tổng cộng 24.301 kg rác thải đã được thu gom trong quá trình dọn dẹp 394km bờ biển trên khắp Malaysia. Trong đó, túi nilon chiếm 11,52% lượng rác thải được thu gom. 

Bà Theresa Ng, giám đốc phát triển chương trình Reef Check Malaysia, cho biết: “Túi nilon là năm loại rác được thu gom nhiều nhất mỗi năm. Thật khó chịu khi nhìn thấy túi nhựa xuất hiện ở khắp nơi, trên bãi biển, công viên hay trên đường phố”. 

Khi chứng kiến mức độ ô nhiễm nhựa đang ở mức báo động, bà Ng bày tỏ sự ủng hộ và vui mừng trước thông báo gần đây của chính phủ Malaysia về việc cấm sử dụng túi nilon trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh vào năm 2025. 

Đầu tháng 5/2023, Bộ trưởng Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi khí hậu Nik Nazmi Nik Ahmad tuyên bố, việc thực hiện lệnh cấm đang được thực hiện theo từng giai đoạn. 

“Chính phủ đang thực hiện theo từng giai đoạn, với các kế hoạch hành động cụ thể nhằm triển khai lệnh cấm hiệu quả hơn và nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của từng kế hoạch hành động, đồng thời khuyến khích họ hành động hoặc đưa ra những lựa chọn tích cực và thân thiện với môi trường”, ông Nik Nazmi cho biết. 

Chính sách trên là một phần trong Lộ trình hướng tới Không sử dụng nhựa dùng một lần của Malaysia trong giai đoạn 2018–2030. 

Khi chính phủ đang tiến hành các kế hoạch loại bỏ việc sử dụng túi nilon, người dân địa phương kêu gọi chính quyền đưa ra các hướng dẫn rõ ràng hơn về lệnh cấm đối với một mặt hàng mà họ coi là một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. 


Túi nilon vẫn được xem là thiết yếu 

Ở Malaysia, túi nilon vẫn được nhiều người coi là một thứ cần thiết. Nó được sử dụng rộng rãi tại các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng thực phẩm, chợ dân sinh và một số cửa hàng. 

Theo ước tính của Hiệp hội các nhà sản xuất nhựa Malaysia (MPMA), người dân nước này sử dụng khoảng 9 tỷ túi nhựa mỗi năm. 

Theo một nghiên cứu do Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) thực hiện vào năm 2019, Malaysia có mức sử dụng nhựa bình quân đầu người hàng năm cao nhất với 16,78kg/người. Nghiên cứu cũng chỉ ra, Malaysia xếp hạng cao thứ hai về tổng lượng rác nhựa được thải ra. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một trong những trở ngại lớn nhất đối với chiến dịch “không túi nilon” là thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng, đặc biệt là khi họ mua các mặt hàng như thịt, cá và rau. 

Phó chủ tịch Hiệp hội Thương nhân Pasar Besar Jalan Othman N. Rajaratnam cho biết, ông ủng hộ lệnh cấm túi nilon, nhưng hầu hết khách hàng của ông đều e ngại về điều đó. 

Ông Rajaratnam, một người bán gà, cho biết, chưa đến 1/10 khách hàng của ông mang theo hộp đựng khi họ đến mua gà. 

“Hầu hết các khách hàng khác nói rằng họ cần túi nilon để đựng thực phẩm. Đối với những người buôn bán (như tôi), lệnh cấm sử dụng túi nilon sẽ có lợi vì chi phí mua túi nilon là một phần chi phí tăng thêm của chúng tôi”, ông Rajaratnam cho biết thêm, ông phải chi trung bình 400 RM (118 USD) hàng tháng để mua túi nilon để phục vụ kinh doanh. “Việc cấm túi nilon cũng rất tốt vì nó giúp bảo vệ môi trường. Chính phủ nên nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này”.  

Cần thay đổi hành vi 

Ông Nik Nazmi cho rằng, thành công của sáng kiến cấm sử dụng túi nilon phụ thuộc phần lớn vào sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng và thương nhân. “Hy vọng rằng nhiều cá nhân và doanh nghiệp trong ngành sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc giảm sử dụng túi nhựa,” ông cho hay. 

Từ đầu tháng 5, một trong những chuỗi cửa hàng nổi tiếng nhất Malaysia – 99 Speedmart – đã ngừng cung cấp túi nilon cho khách hàng. 

“Quyết định được đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến ô nhiễm nhựa. Với việc cấm sử dụng túi nilon dùng 1 lần, chính phủ đang thúc đẩy các hoạt động bền vững và giảm tác động tiêu cực đến hệ sinh thái”, người phát ngôn của 99 Speedmart cho hay. 

Trước đó, Malaysia từng phát động chương trình Ngày Không Túi Nhựa vào năm 2011 để ngăn chặn việc sử dụng túi nhựa để đựng hàng hóa tại các cửa hàng.  

Trong những năm qua, các bang như Penang, Selangor, Johor và Negeri Sembilan cũng triển khai nhiều chiến dịch nhằm hạn chế sử dụng túi nilon, thông qua các sáng kiến như thu phí đối với túi nilon 

Chính sách này được áp dụng tại các đại siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng thức ăn nhanh và hiệu thuốc…,không áp dụng cho người bán hàng rong, thương nhân và chợ bán đồ tươi sống. 

Chủ tịch ủy ban môi trường bang Penang Phee Boon Poh cho biết, bang này đã cố gắng cắt giảm 78% việc sử dụng túi nhựa trong giai đoạn 2020-2021. 

Thành công của sáng kiến phụ thuộc vào hành động của chính phủ 

Bà Khor Sue Yee, giám đốc Zero Waste Malaysia, cho biết tổ chức này hoàn toàn ủng hộ sáng kiến của chính phủ, nhưng muốn biết rõ lộ trình triển khai ra sao. 

“Nhớ lại thì năm 2019 đã có thông báo cấm ống hút dùng một lần nhưng hiện tại, đâu đâu cũng thấy người ta uống bằng ống hút,” bà Khor Sue Yee cho biết. 

Bà Khor cho rằng, thời hạn hai năm cho việc cấm sử dụng túi nhựa là phù hợp với thực tế và sự thành công của sáng kiến sẽ phụ thuộc vào kế hoạch hành động của chính phủ.  

“Cần phải chuyển từ việc sử dụng nhựa dùng một lần sang nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, điều này không thể đạt được nếu không có sự triển khai quyết liệu của chính phủ và sự vào cuộc của các nhà sản xuất và ngành công nghiệp. Đây là một nhiệm vụ khó khăm, nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được”, bà Khor khẳng định. 

(Nguồn Channel News Asia: https://www.channelnewsasia.com/asia/malaysia-plastic-bags-ban-retail-sectors-environment-2025-3530246) 

Nói không với nhựa dùng một lần, nói có với giải pháp bao bì “xanh”

Ngày quốc tế không sử dụng túi nilon là cơ hội tuyệt vời để thế giới nâng cao nhận thức về việc sử dụng các loại bao bì “xanh”, thân thiện với môi trường.

Những vật liệu như bã mía, tre, nứa, rong biển có điểm gì chung? Đây đều là những vật liệu đang được sử dụng để sản xuất các loại bao bì bền vững.

Mối nguy từ nhựa

Với bản chất không thể phân hủy sinh học, bao bì nhựa đang gây ra vô số tác hại cho môi trường. Do đó, việc nghiên cứu và cho ra đời các loại bao bì thân thiện với môi trường, có khả năng bảo quản chất lượng và độ tươi của sản phẩm trong thời gian dài, đang rất được quan tâm.

Vandana Tandan, Giám đốc phụ trách thị trường Ấn Độ và Bangladesh, của SIG Combibloc India Pvt. Ltd, cho biết, “trong giải pháp đóng gói của mình, chúng tôi ưu tiên loại giấy bìa có thể tái tạo, có nguồn gốc từ các khu rừng được quản lý có trách nhiệm. Chúng tôi cũng đang cố gắng tăng tỷ lệ vật liệu tái tạo trong các loại bao bì carton. Điều này sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang giải pháp bao bì bền vững. Ống hút và nắp trên các loại bao bì mà chúng tôi sử dụng hoàn toàn có thể tái chế được. Hơn nữa, bao bì carton nhẹ của chúng tôi được thiết kế để giảm thiểu việc sử dụng vật liệu, giảm lãng phí và giảm lượng khí thải vận chuyển.”

Vật liệu mới

CHUK, công ty con của Yash Pakka, đã tạo ra một loại bao bì có khả năng phân hủy sinh học, có thể được sử dụng trong việc đóng gói và vận chuyển thực phẩm. Loại bao bì này được làm từ 100% bã mía nông nghiệp – một nguồn nguyên liệu được lấy từ các công ty mía đường địa phương trong phạm vi 200-250 km. Satish Chamyvelumani, giám đốc kinh doanh của CHUK cho biết, “Danh mục sản phẩm hiện tại của

chúng tôi chủ yếu bao gồm các vật liệu có thể phân hủy sinh học dùng để đóng gói và bộ đồ ăn có khả năng phân hủy sinh học có thể dùng cho cả mục đích ăn uống và giao hàng”.

Varun Singh Bothiyal, Giám đốc cấp cao của Moglix cho biết thêm, “các giải pháp đóng gói của chúng tôi không chỉ tập trung vào các sản phẩm thay thế nhựa mà còn vào việc sử dụng hợp lý các vật liệu tái chế để giảm lượng khí thải carbon, tuân thủ các quy định mới nhất của chính phủ. Chúng tôi cũng ưu tiên các vật liệu có nguồn gốc bền vững, chẳng hạn như giấy được FSC chứng nhận, có thể phân hủy sinh học, được làm từ vật liệu có nguồn gốc nông nghiệp và các sản phẩm từ tre và đay, mang đến các giải pháp thay thế an toàn và bền vững cho bao bì nhựa. Chúng tôi sử dụng các vật liệu và quy trình tối ưu để tạo ra giải pháp thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và năng lực tái chế.”

Lớp phủ làm từ rong biển

Lớp phủ làm từ rong biển không chỉ là giải pháp thay thế khả thi cho các loại lớp phủ hiện có mà còn đem lại hiệu quả cao va tiết kiệm chi phí. Zero Circle tạo ra tất cả các sản phẩm của họ từ rong biển và đang ủng hộ việc sử dụng polyme tự nhiên từ rong biển. “Các polyme tự nhiên không chỉ được tạo ra từ các nguồn nhiên liệu tái tạo như rong biển, mà còn có khả năng phân hủy sinh học mà không giải phóng bất kỳ hạt vi nhựa, khí thải độc hại và hóa chất tổng hợp nào vào môi trường. Các polyme này được tạo ra bởi các sinh vật sống thông qua các quá trình sinh học. Chúng có nhiều ứng dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau do đặc tính phân hủy sinh học độc đáo”, Neha Jain, Người sáng lập và Giám đốc điều hành của Zero Circle cho biết.

Dịch vụ bao bì có thể tái chế

Hiểu được nhu cầu và khó khăn của ngành đóng gói, InfinityBox đã triển khai dịch vụ chuyên cung cấp các loại hộp đựng có thể tái sử dụng. Đây là dịch vụ cung cấp các giải pháp đóng gói bền vững cho các

khách hàng như tập đoàn, bệnh viện, trường đại học, công sở và các nền tảng giao đồ ăn như Zomato và Swiggy. Ví dụ: hộp nhựa dùng một lần của Zomato và Swiggy sẽ được thay thế bằng các tùy chọn có thể tái sử dụng như hộp Tupperware.

“Ý tưởng của chúng tôi là tái sử dụng chiếc hộp này để có thể giảm lượng khí thải carbon. Với các doanh nghiệp, chúng tôi xác định chính xác số lượng hộp mà họ cần trong ngày, sau đó cung cấp cho họ. Sau khi họ sử dụng xong, chúng tôi sẽ thu gom, rửa sạch và tái sử dụng. Chúng tôi chỉ mất 2 giờ để làm sạch, sau đó sẽ chuyển lại cho họ vào ngày hôm sau. Zomato và Swiggy đang gặp phải một vấn đề chung là giảm lượng nhựa dùng một lần nên chúng tôi đã cung cấp cho họ các loại hộp đựng có khả năng tái sử dụng. Chúng tôi đã cung cấp Swiggy và Zomato hơn 1,5 vạn hộp có thể tái sử dụng”, Shaswat Gangwal, Người sáng lập & Giám đốc điều hành InfinityBox cho biết. Nhờ có dịch vụ này, Swiggy và Zomato đã cắt giảm được 200.000 kg rác thải dùng một lần.

(Nguồn Money Control: https://www.moneycontrol.com/news/environment/packaging-goes-green-say-no-to-single-use-plastic-and-yes-to-sustainable-packaging-solutions-10889951.html